Trang tin China Daily cũng cho hay hơn 8.000 lô hàng giả trị giá 40 triệu nhân dân tệ (khoảng 6,3 triệu đô-la Mỹ) đã bị thu giữ. Các lô hàng giả, được làm tinh vi từ da bò và gelatin, nhái rất giống với sản phẩm từ Dong’e Ejiao Co, nhà sản xuất cao da lừa hàng đầu của Trung Quốc có trụ sở tại tỉnh Sơn Đông.
Cao da lừa là một sản phẩm nổi bật của Trung Quốc nhưng bị làm giả rất tinh vi. Ảnh minh họa
Được biết, Dong’e Ejiao đã nhiều lần “kêu cứu” Cơ quan quản lý Dược phẩm và thực phẩm Thượng Hải trong năm 2017 khi các mặt hàng của hãng này bị giả mạo và bày bán ở nhiều cửa hàng. Một cuộc điều tra quy mô lớn đã được tiến hành, phát hiện sự thật động trời về các vụ làm hàng giả.
Nhóm điều tra cho biết những kẻ buôn hàng giả đã bắt đầu sản xuất bất hợp pháp tại tỉnh Hà Nam từ tháng 8/2017. Cao da lừa được nhái tinh vi từ da bò và gelatin, nhãn mác và bao bì giả được lấy về từ Quảng Đông.
Vào ngày 7 tháng 12 vừa qua, sau khi bắt giữ nghi phạm, cảnh sát đã đột kích các địa điểm sản xuất bất hợp pháp ở Hà Nam và Quảng Đông, phá sập trang web chuyên cung ứng mặt hàng này. Khoảng 90% mặt hàng cao da lừa Trung Quốc được sản xuất tại Sơn Đông, da lừa chủ yếu nhập từ Peru, Mexico và Ai Cập.
Theo Viện Nghiên cứu Qianzhan, sản lượng cao da lừa của Trung Quốc đã tăng từ 3.200 tấn trong năm 2013 lên 5.600 tấn trong năm 2016, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là hơn 20%.
Theo số liệu thống kê chính thức, số lừa ở Trung Quốc đã giảm gần một nửa, từ 11 triệu con vào những năm 1990 xuống còn 6 triệu con vào năm 2013. Theo China Daily, Trung Quốc sản xuất 5.000 tấn da giao mỗi năm, đòi hỏi khoảng 4 triệu tấm da thuộc.
Chính vì sự khan hiếm trên mà hiện nay Trung Quốc đã phải thu mua rất nhiều lừa từ nước ngoài, đặc biệt là Nigeria. Nhưng với giá quá chát cùng với sự khan hiếm nên đã khiến nhiều người tìm cách chế biến giả mạo từ da bò thành da lừa như cơ sở trên để mang lợi nhuận về cho mình.
Thùy Giang