(NTD) – Một người đàn ông 34 tuổi ở Adelaide, South Australia sẽ ra tòa vào thứ hai 24/9 tới về tội báo cáo sai lệch con gái của mình đã ăn phải trái dâu có kim khâu.
Dâu đang vào mùa thu hoạch ở nhiều tiểu bang của Australia, nhưng phải đổ đống vì người tiêu dùng và nhà nhập khẩu từ chối mua. (Ảnh: Courier Mail) |
Người đàn ông này ở khu vực Paradise báo vụ việc với cảnh sát hôm 17/9 và nói rằng đã mua hộp dâu ở một siêu thị địa phương. Cảnh sát sau khi điều tra đã nói rằng “không có dâu bị ghim kim và con gái ông ta cũng không ăn dâu có ghim kim”. Người đàn ông bị bắt giữ và khởi tố trong ngày 21/9 vì “tội khai man với cảnh sát và báo cáo sai lệch về thực phẩm bị tiêm nhiễm”.
Đây là trường hợp người lớn đầu tiên bị bắt giam và khởi tố sau khi cuộc khủng hoảng dâu tây bùng nổ ngày 9/9 khi một thanh niên 21 tuổi ở bang Queensland nhập viện vì ăn phải dâu có kim khâu bên trong. Khủng hoảng dâu tây – với các loại kim khâu và kim ghim bị nhét bên trong trái dâu – giờ đã lan sang các loại trái cây khác như táo, chuối, xoài và trái raspberry (mâm xôi) và đã hiện diện trên 7/8 tiểu bang và lãnh thổ của Australia. Đã có hai thiếu niên bị bắt giữ vì nhét kim vào dâu tây và bị xử theo luật trẻ vị thành niên phạm tội.
Quốc hội Australia đã khẩn cấp thông qua sửa đổi luật vào hôm 20/9, nâng khung hình phạt cao nhất là 10 năm tù – đối với tội tiêm nhiễm thực phẩm dành cho con người – lên thành 15 năm tù. Chính phủ của tân Thủ tướng Scott Morrison đang phải chật vật đối phó với hơn 100 trường hợp báo cáo phát hiện kim khâu hay kim ghim hiện diện trong các loại trái cây.
Chính phủ liên bang đã treo giải thưởng 1 triệu AUD cho bất cứ thông tin nào dẫn đến việc bắt giữ tội phạm. Chính phủ các tiểu bang Queensland, New South Wales, Western Australia và South Australia cũng làm tương tự với giải thưởng 100.000 AUD.
Lực lượng cảnh sát đang thiếu nhân lực để đối phó với số vụ được báo cáo ngày càng gia tăng. Cảnh sát ban đầu còn đến tận từng nơi để điều tra, nay đã khuyến cáo người dân đem trái cây có kim khâu hay kim ghim đến đồn cảnh sát.
Hoani Hearne, 21 tuổi, ở bang Queensland là nạn nhân đầu tiên của “khủng hoảng dâu tây”. Hearn phải nhập viện khi ăn trái dâu có nhét nửa cây kim khâu bên trong. Một vài trẻ ăn dâu có kim bên trong, nhưng kịp phát hiện và may mắn không bị thương. (Ảnh: 9news) |
Kevin Trần là chủ nhân của hai thương hiệu dâu nổi tiếng, Berry Licious và Berry Obsession, vốn bị thu hồi sớm ở ba bang Queensland, New South Wales và Victoria. “Tôi cũng muốn biết nguyên do là ai làm”, Kevin phát biểu với kênh truyền hình Channel 9. (Ảnh: 9news) |
Từ trường hợp đầu tiên ở một trang trại ở Queensland mà mọi người tin là do tư thù, cảnh sát Australia hiện đang xử lý “khủng hoảng kim khâu” ở trái cây theo hai hướng: Trò đùa độc ác theo trào lưu bắt chước của người trẻ hoặc khủng bố thương mại.
Ngành dâu tây Australia có giá trị hàng trăm triệu AUD đang gặp khốn đốn khi người tiêu dùng trong nước và các nhà nhập khẩu nước ngoài từ chối mua. Chủ các trang trại và hệ thống siêu thị đang phải bỏ thêm tiền để lắp ráp các máy dò kim loại tại trang trại và siêu thị
Người dân Australia cũng đang tích cực tham gia phong trào “giải cứu dâu tây” với các lời kêu gọi mua dâu tây về làm mứt, làm sinh tố, làm bánh… – những cách tiêu thụ được số nhiều và an toàn khi người tiêu dùng phải cắt dâu ra làm đôi hay nhiều miếng nhỏ.
Ricky Hồ