Hiện nay, người tiêu dùng ngày càng muốn có nhiều thông tin cần thiết về sản phẩm tiêu thụ. Và chiếc cầu nối giúp họ tiếp cận thông tin này nằm ở bao bì. Đằng sau khái niệm “bao bì”, chúng ta ngầm hiểu cả khái niệm “nhãn hàng”, “quy trình đóng gói” và “điều kiện bảo quản”.
Từ những ứng dụng của OLED và RFID
Thế giới của công nghệ và vật liệu nano phát triển đang song hành với lĩnh vực sản xuất bao bì tân tiến. Dù vẫn còn nhiều giải pháp công nghệ đang cần hoàn thiện, nhưng hiện nay thành tựu nghiên cứu về các loại màn hình diode phát sáng hữu cơ (OLED – Organic Light –Emitting diode) và các chíp nhận dạng tần số sóng vô tuyến (RFID – Radio Frequency Identifacation) đang được ứng dụng rộng rãi để sản xuất ra các loại bao bì hiển thị thông tin, rất hữu ích cho khách hàng khi sử dụng sản phẩm và trên hết, giúp họ tránh được nhiều rủi ro về vệ sinh y tế và những nguy cơ bị ngộ độc, dù ở mức độ nhỏ nhất.
Là sản phẩm duy nhất có thể liên kết trực tiếp nhà sản xuất với người tiêu dùng, bao bì phải đáp ứng được các yêu cầu về quy chuẩn, mục đích thương mại, những ràng buộc về an toàn vệ sinh thực phẩm trong suốt quá trình bảo quản và vận chuyển. Chính đòi hỏi bức bách này đã thôi thúc nhà sản xuất hướng đến những kiểu dáng bao bì được gọi là “thông minh” và “năng động”.
Hình.Nhãn RFID
“Xin đừng ăn tôi, tôi đã hết hạn sử dụng!”. Lời cảnh báo ngộ nghĩnh trên sẽ xuất hiện ngay trên nắp của một hũ yaourt quá “đát”. Và hẳn khách hàng sẽ bị “dội” ngay! Hoặc là, “Hãy chưng cách thuỷ tôi. Tôi sẽ rất hợp với tôm hùm và cá phèn!”, dòng chữ này sẽ nhấp nháy trên một sản phẩm đậu đóng hộp. Trong tương lai, các bao bì thực phẩm sẽ có khả năng chuyển tải trực tiếp đến nguời tiêu dùng những lời cảnh báo, cách chế biến loại thực phẩm đó và luôn cả các thông tin quảng cáo đa dạng. Các dạng bao bì “biết nói” này chính là các màng chất dẻo có khả năng dẫn điện qua các đèn OLED. Đây là một trong nhiều dạng “bao bì thông minh”, khi nhà sản xuất đặt quyền lợi của người tiêu dùng lên trên hết.
Khi vi khuẩn toả nhiệt…
Cũng có một chất liệu được sản xuất hoàn toàn từ công nghệ cao và được sử dụng để thông báo cho khách hàng về “tình trạng sức khoẻ” của các sản phẩm tươi sống, đó là mực “chrome-nhiệt” (the mochromic ink). Loại mực này chứa các chất dẫn xuất trắng có khả năng thay đổi màu sắc khi nhiệt độ môi trường biến thiên trong khoảng vài độ. Khi đó, các chất đơn phân trong mực sẽ kết dính lại và trùng hợp với nhau. Loại mực này đã được người Nhật phát triển từ thập niên 1970, nhưng đến nay mới bắt đầu trở nên phổ biến. Trên các bao bì sản phẩm, chúng ta sẽ thấy các viên tròn nhỏ sẽ tự động chuyển sang màu đen khi nhiệt độ bên trong bao gói bảo quản đã tăng quá ngưỡng cho phép. Hiện tượng “nóng lên” này chắc chán sẽ làm hỏng thực phẩm chứa bên trong.
Hình. Bao bì thông tin nhờ vào ứng dụng OLED
Tiến xa hơn, với công ty Cryolog của Pháp, còn có một dạng “biển báo” có chứa các vi sinh vật rất nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ, đó là các “bông hoa” hình tròn sẽ chuyển màu khi thực phẩm bị biến chất, hoặc một dạng mã vạch vi sinh học. Dãy mã vạch này sẽ tự động mờ đi và sau đó bị che lấp bằng một nền màu đỏ, báo cho khách hàng biết thực phẩm bên trong đã hết hạn sử dụng.
Và còn một “vũ khí” bảo vệ khác còn mạnh hơn khi kết hợp việc phòng ngừa các nguy cơ tiềm ẩn về vệ sinh y tế với ý thức về lợi ích sinh thái môi trường trong khái niệm phát triển bền vững: các chuyên gia của Đại học Sao Paulo (Brazil) đã thử nghiệm thành công một loại màng dẻo chế tạo từ bột khoai mì, được sử dụng làm bao gói thực phẩm. Loại bao bì này sẽ bảo vệ thực phẩm không bị nhiễm khuẩn, và quan trọng hơn cả, bao bì sẽ đổi màu hoàn toàn tuỳ theo tình trạng bảo quản của sản phẩm. Mặt khác, do đây là một sản phẩm sinh học nên bao bì này hoàn toàn không độc hại và rất dễ phân huỷ. Theo dự kiến, việc sản xuất đại trà loại bao bì thân thiện với môi trường này sẽ bắt đầu vào năm 2009.
Khi tủ lạnh biết đi chợ…
Những cuộc cách mạng thật sự về bao bì có lẽ sẽ được biết đến qua các nhãn mác ứng dụng kỹ thuật RFID. Những loại nhãn này có tính năng nhận biết các bước sóng vô tuyến và được sử dụng để theo dõi sự biến đổi chất lượng của sản phẩm trong suốt quá trình vận chuyển.
Bao bì sinh học tự phân huỷ
Có ba loại nhãn RFID:
- Nhãn RFID chỉ đọc:loại này chứa các thông tin do nhà sản xuất ghi vào và không thể được thay đổi hay sửa chữa sau đó.
- Nhãn RFID được ghi một lần và đọc nhiều lần:loại này chứa các dữ liệu được người sử dụng đầu tiên ghi vào và không thể được thay đổi hay sửa chữa sau đó.
- Nhãn RFID ghi/đọc nhiều lần:loại nhãn này có thể được ghi, xoá, thay đổi nội dung nhiều lần, có thể điều chỉnh thông tin từ 500.000 đến 1 triệu lần.
Túi bao bì tự phân huỷ
Trong một tương lai rất gần, các loại nhãn RFID sẽ truyền các dữ liệu mà chúng cập nhật đến hệ thống máy vi tính được kết nối vào những chiếc tủ lạnh hay tủ đông. Từ đó, các tủ bảo quản thực phẩm này sẽ biết chính xác số lượng hàng dự trữ cũng như chất lượng của chúng, và sau đó sẽ biết tự động đặt hàng từ những siêu thị mua bán trên mạng gần nhất mà chúng “biết”. Thế là, bạn chỉ cần lập trình trước cho tủ lạnh, chúng sẽ tự mua sắm cho bạn và luôn bảo đảm đầy đủ các mặt hàng thiết yếu và tươi ngon mà bạn cần. Rất thông minh, nhanh nhẹn mà cũng chẳng “kêu ca” gì cả!
Nói tóm lại, nhờ vào các chủng loại bao bì hiện đại, ngày nay mỗi một nhân tố, từ nhà sản xuất, cơ sở chế biến, cho đến nhà vận chuyển, phân phối và cuối cùng là người tiêu thụ, đều góp một phần nhỏ vào việc theo dõi số lượng và chất lượng thực phẩm. Những tiến bộ vượt bậc của công nghệ đã chứng minh vai trò rất chủ động của người tiêu dùng ngày nay. Và trong tương lai, công nghiệp sản xuất bao bì sẽ hướng đến một mối quan tâm khác liên quan mật thiết với một môi trường ngày căng ô nhiễm: đó là công nghệ tái chế bao bì. Vậy cho nên, tương lai mà ngành công nghiệp thực phẩm đang hướng đến sẽ là bao bì sạch”.
Theo Tre today