Trong không khí hân hoan của những ngày đầu năm mới dường như việc ăn uống là điều được coi trọng nhất thể hiện tinh thần đoàn kết, sum vầy của của mỗi gia đình Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay việc ăn uống cũng đang là nỗi lo bởi thực phẩm bẩn, thực phẩm nhiễm hóa chất tràn lan. Vậy ăn gì cho đảm bảo, tránh ăn gì để không rước họa vào thân? Dưới đây là điểm mặt những thực phẩm cần tuyệt đối tránh trong những ngày Tết kẻo gặp họa vào thân.
Rượu gây ung thư như thế nào?
Rượu luôn là thức uống khởi động đầu tiên cho một năm mới. Tuy nhiên theo TS. Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán tỷ lệ bệnh nhân ngộ độc rượu gia tăng. Số ca ngộ độc rượu tăng lên là do người dân uống quá nhiều rượu, đặc biệt là rượu không có nguồn gốc rõ ràng. Có trường hợp rượu pha bằng cồn công nghiệp, uống vào có thể gây chết người.
Ngày Tết nên hạn chế uống rượu. Ảnh minh họa
TS Phạm Duệ khẳng định, uống nhiều rượu có thể gây tử vong. Dù rượu có nhãn hay không có nhãn đều gây hại khi uống quá nhiều. Nhưng rượu có nhãn mác, nơi xuất xứ, thành phần… được ghi rõ ràng thì nguy cơ ngộ độc thấp hơn.
Ô mai, mứt
Ngày Tết có lẽ mứt và ô mai cũng là một trong những thứ ăn vặt được người Việt sử dụng nhiều nhất. Tuy nhiên theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội) khuyến cáo nên tránh các loại ô mai, xí muội, mứt nhuộm phẩm màu trôi nổi, không rõ nguồn gốc, nhất là các sản phẩm có màu sắc sặc sỡ, lạ mắt. Màu sắc này là do người sản xuất sử dụng phụ gia như chất bảo quản, chất tạo ngọt, chất tẩy nấm mốc, chất tẩy trắng, sát trùng, để phòng thối rữa, chống chảy nước, mốc, rất độc hại cho người ăn.
Giò, chả
Món ăn tiếp theo không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của người Việt Nam đó là giò, chả. Nhưng hiện nay tình trạng giò, chả được làm bằng hàn the quá nhiều. Đây là hóa chất thường được cho vào giò, chả mục đích tạo độ giòn, dai. Hàn the khi xâm nhập vào cơ thể với liều lượng cao sẽ gây ngộ độc cấp. Còn với liều lượng nhỏ, chúng sẽ tích tụ và gây ngộ đôc gan, thận, rất nguy hiểm cho cơ thể.
Măng tươi, mang khô
Cũng theo PGS- TS Nguyễn Duy Thịnh, măng tươi có thể gây ngộ độc cấp tính bởi độc tố cyanide tự nhiên. Dưới tác động của các enzym đường tiêu hóa, cyanide biến thành axit cyanhydric (HCN), gây hại cho cơ thể.
Theo thống kê, khoảng 100 g măng tươi có 32-38 mg HCN. Với liều 50-60 mg (tức vào khoảng 200 g măng), HCN sẽ gây chết người, bắt đầu với các triệu chứng khó thở, mất tri giác, liệt cơ, co giật, ngừng thở…
Với măng khô, để chống ẩm mốc, tạo màu vàng đẹp hơn, nhiều cơ sở làm măng khô đã sử dụng lưu huỳnh trong quá trình sấy. Đây là hoá chất độc hại không được phép sử dụng trong thực phẩm.
Miến
Món miến hay đi kèm với măng khô thành một “cặp bài trùng” ngày Tết. Nhưng từ lâu hai món ăn này đã bị “tố cáo” là được “tắm” nhiều hóa chất độc hại, chẳng hạn như chất tẩy trắng, hàn the,… để có màu sắc đẹp, nhìn sạch sẽ, bắt mắt và có độ dai. Do đó, khi thấy những loại miến có bóng, có màu vàng khác thường hoặc trắng tinh thì không nên mua. Trong quá trình chế biến miến, để giảm bớt nguy cơ độc hại của món ăn này, nên rửa sạch miến nhiều lần qua nước hoặc qua nước muối loãng.
An Dương (T/h)