Không chỉ những quán bia hơi vỉa hè gặp phải tình huống này mà ngay cả những đơn vị nằm trong hệ thống “chất lượng vàng” của Bia hơi Hà Nội, nhiều khi cũng “dở khóc, dở cười” vì bia mà không có… bọt!
Đã từ rất lâu, thưởng thức những cốc bia hơi ngon trở thành một thứ “văn hoá” của người dân Việt. Nói đến bia, người ta nghĩ ngay đến câu của miệng “bia bọt”. Nhưng hiện nay, trên thị trường xuất hiện một vài nghi vấn xung quanh chất lượng bia, khi ngay từ lúc mới rót ra cốc, đã không thấy “tăm hơi” của bọt đâu.
“Bia bọt” mà không thấy… bọt!
Khi rót bia ra, khí CO2 sẽ nổi lên trên và tạo bọt cùng với các phân tử protein và nước trong bia. Bọt này sẽ ngăn cho khí CO2 không bị tiếp tục thoát ra ngoài. Các loại bia xịn, nhiều protein sẽ có bọt nhiều, nhỏ và dày hơn nên khó vỡ và tan chậm. Trong khi đó, các loại bia bình thường (đặc biệt như bia hơi) có bọt to, dễ vỡ và tan nhanh. Khi lớp bọt ở trên bị vỡ, khí CO2 sẽ thoát ra ngoài gây mất ngon.
Theo báo Người đưa tin, cốc uống bia cũng sẽ quyết định xem lượng bọt có nhiều hay không và tan nhanh hay không. Đối với các loại cốc to, có miệng rộng, bề mặt cốc thoáng thì bọt sẽ dễ tan hơn. Khi rót bia ra cốc, người ta thường rót nghiêng một cách từ từ, đều đặn để bọt được tạo ra đều, giữ được lâu.
Đặc biệt, cốc uống bia không nên dính dầu mỡ vì bất kỳ chất dầu mỡ nào trong cốc bia cũng sẽ làm tăng độ to của bọt bia, bọt sẽ dễ bị nổ và tan rất nhanh, nhất là lượng mỡ dính từ miệng người uống khi đang ăn. Hiện có không ít nhà hàng bán bia nhưng cách vệ sinh cốc không sạch sẽ, tay chân nhân viên rót bia cũng không được vệ sinh cẩn thận. Trong khi đó nhiều khu vực rót bia lại ở ngay cạnh chỗ rửa bát đĩa, vì thế cốc rót bia bị dính mỡ, bia được rót ra cho khách nhưng lại không thấy bọt, nếu có cũng chỉ trong một thời gian rất ngắn bọt đã tan hết.
Giả từ bia đến chai
Bằng cách trộn lẫn nhiều loại bia có giá thành thấp, tận thu bia bẩn, bia thừa từ nhiều nguồn rồi xử lý lại, hoặc là rút ngắn thời gian lên men bia, nấu từ men, gạo, dịch bia,… các bậc thầy bia giả đã phù phép thành những loại bia cỏ “rẻ hơn trà đá”. Thậm chí, nó có thể được đưa vào các nhà hàng, quán nhậu và trở thành thức uống “đẳng cấp”.
Không chỉ vậy, báo Một Thế Giới cho hay, một số công nhân từng làm việc trong các lò trộn bia giả tiết lộ, để tẩy rửa các vết cáu bẩn, hoen rỉ trên nắp, vỏ chai đựng bia thành những chai bia sáng bóng, họ phải nhúng chúng vào dung dịch tẩy rửa công nghiệp pha loãng, sau đó sấy khô. Sau quá trình trên, “nhà pha chế” tiến hành pha trộn các loại bia có giá thành rẻ, chất lượng thấp hơn vào những loại vỏ chai có thương hiệu.
Do vậy, quá trình súc rửa chai, do lau chùi không kỹ, cáu bẩn, thậm chí hóa chất độc hại trong quá trình xử lý vẫn tồn đọng, dễ biến bia thành một hỗn hợp dung dịch nguy hại. Chẳng vậy mà bia không… bọt!
Nhung Cẩm (T/h)