Home / Kiến Thức / Kiến thức ATTP cho người tiêu dùng / Thời tiết nồm ẩm, ăn phải thực phẩm bị nấm mốc có thể ‘chết’ rất nhanh

Thời tiết nồm ẩm, ăn phải thực phẩm bị nấm mốc có thể ‘chết’ rất nhanh

Trong thời tiết lạnh ẩm miền Bắc, thực phẩm tươi và khô như đậu, đỗ… đều rất dễ bị nấm mốc tấn công, nếu không mạnh dạn bỏ đi mà tiếp tục ăn phải có nguy cơ gây hại cho sức khỏe, đặc biệt có thể dẫn đến ung thư gan.

Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cảnh báo trên báo Dân trí, khi thực phẩm bị nấm mốc sẽ sinh ra độc tố là Aflatoxin. Đây là loại độc tố cực độc với gan và có nguy cơ gây ung thư nếu ăn phải nhiều. Vì thế, nếu thấy các loại hạt bị mốc, hãy vứt bỏ không nên ăn.

  Cấu trúc hóa học của aflatoxin. Ảnh: Sức khỏe & đời sống

Ông Phong cũng lưu ý nhiều người Việt có thói quen, rửa bỏ nấm mốc rồi lại sử dụng như bình thường. Thực tế, rửa chỉ làm trôi đi nấm mốc bên ngoài, còn thực tế, thực phẩm đã bị ẩm, sản sinh nấm và sinh ra chất độc, vì thế ăn vào rất độc cho sức khỏe.

Thói quen này cũng được nhiều người áp dụng với bánh chưng. Khi vỏ bánh, đầu bánh bị mốc do làm với số lượng lớn, để lâu, nhiều người cắt bỏ phần mốc, rán lên ăn như thường. Tốt nhất với những thực phẩm đã lên nấm mốc, không nên ăn.

Loại độc chất Aflatoxin có thể gây nên những ảnh hưởng bất lợi cho con người qua một thời gian dài tích tụ Aflatoxin từ thực phẩm. Vì thế, người dân không nên tiếc mà cần mạnh dạn vứt bỏ những thực phẩm đã bị nấm mốc, tuyệt đối không ăn.

Trong khi đó, tại miền Nam thời tiết nóng bức, các thực phẩm nhiều đạm lại dễ ôi thiu vì nắng nóng. Ăn phải những thực phẩm này có thể bị ngộ độc, tiêu chảy vì nhiễm khuẩn.

Bàn về vấn đề này, Tiến sĩ – bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng – Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cũng từng cảnh báo trên báo Thanh niên, thực phẩm khô nếu không được bảo quản đúng cách sẽ dễ bị mốc và nấm mốc. Nấm mốc bám vào thực phẩm khi nấu chín cũng sẽ chết, không phát triển được trong cơ thể người, tuy nhiên độc tố có trong nấm chính là nguyên nhân gây hại cho cơ thể.

Đồng quan điểm, BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương, Trưởng đơn vị tiêu hóa can thiệp Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương phân tích trên báo Dân trí, nhiều bệnh nhân thắc mắc mình không hút thuốc, không uống rượu, gia đình không có tiền sử về bệnh viêm gan do vi rút, vậy tại sao có thể gây ung thư gan. Chỉ đến khi bác sĩ hỏi về việc ăn uống, bệnh nhân mới kể lại rằng do thói quen khi ở nhà có gạo bị mốc hay đồ khô bị lên men vẫn đem rửa sạch và nấu ăn bình thường mà không hề hay biết điều đó có thể gây ung thư.

Không chỉ có gạo mà các loại thực phẩm: đậu, bắp, hạt hướng dương, tôm khô, mực khô, trái cây khô… nếu quá trình chế biến bảo quản và vận chuyển không đúng cách cũng rất dễ phát sinh nấm mốc. Ngoài ra nhiều chị em có sở thích sử dụng đồ hộp, thức ăn chế biến sẵn được đóng gói nhưng không để ý thời gian sử dụng. Khi có nhu cầu dùng đến thì thức ăn đã quá hạn, bỏ thì tiếc nên vẫn cố gắng chế biến lại.

Aflatoxin B1 chứa trong thực phẩm bị nấm mốc rất có thể gây ung thư gan. Ảnh: Sức khỏe & đời sống

Thực tế ngay cả khi thức ăn được đóng hộp và để trong tủ lạnh thì vi khuẩn vẫn có thể phát triển, vì vậy với những thức ăn quá hạn sử dụng, có dấu hiệu ôi thiu thì nên vứt bỏ do thức ăn khi bị nhiễm nấm sẽ tiết ra độc tố Aflatoxin – đây là loại độc tố rất mạnh. Nếu chẳng may ăn phải các loại thực phẩm này, dù chỉ với một liều lượng rất nhỏ, Aflaxtoxin cũng đã có thể gây ngộ độc cấp tính cho các cơ quan nội tạng. Khi xâm nhập vào gan sẽ dẫn tới gan nhiễm mỡ, xơ gan và ung thư gan. Nếu người đang bị viêm gan B mà ăn phải nấm mốc có chứa Aflatoxin thì nguy cơ ung thư sẽ tăng cao 60 lần so với nguời chỉ nhiễm viêm gan B.

Aflatoxin có trong thực phẩm nấm mốc gây độc cho người như thế nào?

TS. Nguyễn Bạch Đằng – Khoa Kinh Tế – Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM chia sẻ trên báo Sức khỏe & đời sống, bệnh do nhiễm aflatoxin cấp tính đã được thông báo ở các nước với các biểu hiện chủ yếu là suy chức năng gan cấp, xơ gan và hoại tử nhu mô gan. Bên cạnh các nghiên cứu về vai trò của virut viêm gan, ký sinh trùng, dinh dưỡng, các chất độc… đối với ung thư gan, các nhà khoa học cũng đang tập trung nghiên cứu về vai trò của aflatoxin với căn bệnh phổ biến này. 

Trên người, một loạt các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc ung thư gan nguyên phát tăng ở những vùng có tỷ lệ phơi nhiễm cao với aflatoxin, nhưng cơ chế tác động của aflatoxin gây ung thư gan ở người như thế nào vẫn còn nhiều tranh cãi, tuy nhiên đã tìm thấy sự gắn kết của aflatoxin B1 với ADN của tế bào gan ở những bệnh nhân bị ung thư gan nguyên phát, phức hợp này còn được tìm thấy  trong máu ngoại vi, trong máu rau thai và máu dây rốn của các sản phụ có phơi nhiễm với aflatoxin B1. 

Bên cạnh đó còn có sự liên quan giữa phơi nhiễm aflatoxin B1 với sự đột biến gen ở các bệnh nhân này, mà nhiều nhất là sự đột biến gen p53 – một gen kiểm soát sự chết tế bào theo chương trình, khi đột biến gen này sẽ làm đời sống tế bào tăng lên, kéo theo nguy cơ tế bào sẽ chuyển thành ác tính.

Aflatoxin có khả năng gây độc tính cấp và mạn ở các loài động vật và con người. Độc tính nguy hiểm nhất là khả năng gây xơ gan và ung thư gan nguyên phát. Do vậy, vấn đề bảo quản lương thực thực phẩm, an toàn lương thực thực phẩm, không sử dụng các thực phẩm đã bị hỏng, bị nấm mốc là một vấn đề hết sức quan trọng có ý nghĩa trong việc hạn chế tần suất xuất hiện bệnh ung thư gan nguyên phát.

Vân Thảo (T/h)

Tin mới

Vụ ‘phế phẩm cà phê trộn pin’: Chủ cơ sở quanh co chưa khai nhận

Các đối tượng quanh co chưa chịu khai nhậnTại buổi họp báo, Đại tá Lê …

Hotline: 0909 89 87 83